Khi mới bắt đầu nuôi ruồi lính đen thì bà con thường thắc mắc là ruồi lính đen ăn gì và cách cho ăn như thế nào là hiệu quả, đảm bảo tốt việc thay thế thức ăn công nghiệp. Bài viết sau đây sẽ giải đáp thắc mắc này, mời bà con tìm hiểu.
TÓM TẮT
Ruồi lính đen ăn gì?
Ruồi lính đen là loài phàm ăn bật nhất trong các loại côn trùng. Chúng được ví như những cỗ máy xử lý rác thải hàng đầu trên thế giới và sản phẩm cuối cùng của chúng lại có thể tái sử dụng cho trồng trọt và chăn nuôi.
Thức ăn của ruồi lính đen là tất cả các phế phẩm hữu cơ. Ví dụ:
- Phế phẩm từ trồng trọt: Rau, củ, quả hư thối. Hạn chế chọn các loại phế phẩm có thuốc trừ sâu mạnh có thể gây chết ấu trùng.
- Phế phẩm từ chăn nuôi: các loại phân động vật như phân bò, phân trâu, phân heo, phân dê, gà, vịt,… Ấu trùng sẽ phát triển tốt hơn nữa nếu như bà con xử lý các loại phân này bằng vi sinh trước khi cho chúng ăn.
- Phế phẩm từ công nghiệp: các loại bã bia, bã đậu nành, bã gạo,… Các loại phế phẩm này tương đối ít đạm cho ấu trùng, vì công nghệ hiện nay khá tiên tiến đã khai thác gần như hoàn toàn nguyên liệu đầu vào trước khi thải ra phế phẩm.
- Phế phẩm trong sinh hoạt gia đình: thức ăn dư thừa, ôi thiu.
Chọn loại thức ăn nào để nuôi ruồi lính đen thành công?
Câu trả lời chính là “nguồn phế phẩm miễn phí”!
Tùy vào điều kiện tại địa phương mà bà con có thể tìm thấy những phế phẩm khác nhau. Nhưng để có thể thành công với ruồi lính đen, thì ai tìm được nhiều nguồn phế phẩm miễn phí nhất thì sẽ thành công nhất.
Đó có thể là những phế phẩm tạo ra được. Ví dụ: nếu bà con có chăn nuôi như trâu, bò, dê,… thì lượng phế phẩm rất lớn.
Tuy nhiên, tìm được nguồn miễn phí không phải dễ, đôi khi bà con chỉ tìm được những nguồn có chi phí rẻ. Lúc này, bà con cần tính toán lại chi phí để nuôi bao gồm: chuồng trại, mùng, hộc nuôi, thức ăn cho ấu trùng, công cụ chăn nuôi, nhân công,… Nếu thực sự tiết kiệm hơn thức ăn công nghiệp về mặt bền vững thì bà con nên mạnh dạng thử.
Cách cho ăn theo mục đích
Thông thường, có 2 mục đích nuôi ruồi lính đen: làm thức ăn cho vật nuôi và làm giống sinh sản.
Nuôi để làm thức ăn cho vật nuôi
Với mục đích này, bà con có thể cho ăn mọi nguồn thức ăn phế phẩm mà không cần quan tâm đến dinh dưỡng của thức ăn, cũng như không cần lo lắng về kích thước của ấu trùng.
Tầm 21 ngày tuổi thì ấu trùng có thể làm thức ăn cho vật nuôi. Tùy theo loại vật nuôi mà bà con chế biến cho phù hợp.
Mục tiêu là giảm chi phí nuôi ấu trùng đến mức tối đa để việc thay thế thức ăn công nghiệp hiệu quả nhất. Nếu làm tốt, bà con có thể tiết kiệm lên đến 70% chi phí mua thức ăn cho vật nuôi.
Nuôi để làm giống, làm bố mẹ sinh sản
Với mục đích làm giống, bà con cần cho ăn sao cho ấu trùng to nhất có thể, để chúng nở ra thành những con ruồi to, đủ dinh dưỡng cho chúng sống 1 tuần, giao phối và đẻ trứng.
Khi ấu trùng mới nở, bà con có thể cho ăn cám tổng hợp kèm bã bia. Khi chúng đạt 7 ngày tuổi thì lọc phân, thay thế thức ăn mới bằng những loại giàu đạm, protein như: xác động vật, xác gà vịt, chim, ruột cá, đầu cá, rau củ quả hư,… Đây gần như là cách duy nhất để có được lứa bố mẹ chất lượng, năng suất cao.
Chắc chắn chi phí phục vụ cho mục đích này sẽ cao hơn so với nuôi làm thức ăn. Tuy nhiên, chi phí này sẽ rẻ hơn nếu so với việc phải bỏ tiền ra mua trứng giống mới.
Khi thấy 80% ấu trùng chuyển thành màu đen thì bà con có thể lọc và đem vào mùng để chờ chúng lột vỏ thành ruồi.
Khi ấu trùng ruồi lính đen trưởng thành và hóa ruồi thì chúng không ăn nữa.
Chúc bà con thành công.