Cách nuôi chim trĩ đỏ và chim trĩ xanh hiệu quả

Nuôi chim trĩ làm giàu từ lâu đã trở thành mô hình chăn nuôi được nhiều quan tâm của bà con. Bởi lẽ cách nuôi chim trĩ đỏ và chim trĩ xanh không quá khó khăn, nhưng chúng là thực phẩm có dinh dưỡng rất cao, từ đó đem lại nhiều lợi nhuận hơn so với gà, vịt.

Ở bài viết này, trại chim trĩ Cần Thơ muốn chia sẽ kinh nghiệm chăn nuôi chim trĩ đỏ và trĩ xanh cho bà con, kèm những video hướng dẫn cụ thể nhất để bà con dễ dàng thực hiện. Mô hình chúng tôi giới thiệu dưới đây sẽ là nuôi thả vườn khép kín, sử dụng thức ăn từ côn trùng là chủ yếu để tiết kiệm tối đa chi phí thức ăn.

Xem thêm về đặc tính của chim trĩ đỏ và chim trĩ xanh để có thể tạo ra môi trường sống tốt hơn cho chúng

Chuẩn bị nuôi chim trĩ

Làm chuồng trại chăn nuôi

Chuồng chim trĩ là một trong những yếu tố quan trọng nhất để nuôi chim trĩ thành công.

Các yếu tố mà bà con cần quan tâm:

  • Để nuôi được 25 – 30 con chim trĩ trưởng thành chúng ta xây chuồng kích thước là ngang 3,5 m x dài 6 m x cao 2,8 m.
  • Cần đặt ở nơi thoáng mát, cao ráo, tránh ẩm ướt, đồng thời hợp lí cho việc ổn định nhiệt độ: hè mát, đông ấm.
  • Nên có mái bằng lá thì nhiệt độ sẽ ổn định nhất.
  • Chim trĩ có thể bay đi do đó cần che chắn kỹ lưỡng.
  • Phải có giàn leo cho chim trĩ, tốt nhất nên làm bằng cây, gỗ để dễ bám hơn.
  • Nên có những bụi cây để chim trú ẩn khi bị rược mổ lẫn nhau.
  • Nền chuồng nên bằng phẳng trơn láng để giúp giữ vệ sinh tốt và vệ sinh dễ dàng hoặc nên rải trấu độ dày 5-8 cm.
  • Nên để nắng lọt vào chuồng trại ở một góc nhỏ. Che chắn gió kỹ lưỡng.
  • Nếu nuôi số lượng lớn nên chia ô để dễ dàng theo dõi.
  • Nên lót 1 phần chuồng bằng cát.
  • Trồng thêm các bụi rau để chim trĩ mổ, nếu không chúng sẽ tự rượt mổ nhau.

Làm chuồng úm chim trĩ

Lồng úm chim trĩ tốt sẽ giúp tạo ra những con trưởng thành khỏe mạnh sau này.

Úm chim trĩ con
Úm chim trĩ con

Các yếu tố cần quan tâm khi làm lồng úm trĩ con:

  • Để úm 200 con chim trĩ bà con có thể làm lồng ngang 1m x dài 2m và cao 0,5m.
  • Nên cách mặt đất khoảng 10 cm.
  • Lót giấy bìa carton xung quanh để giữ nhiệt.
  • Lót rơm ở đáy lồng úm.
  • Đặt 1 bóng đèn vào giữa lồng úm.
  • Trang bị 2 bình nước 2 lít có pha rượu tỏi để tăng cường đề kháng, tránh các bệnh như tiêu chảy, cảm, sổ mũi,…
  • Lồng úm và dụng cụ cần được vệ sinh sạch sẽ, chuồng cần được dọn và để trống 15 – 20 ngày trước khi đưa chim vào nuôi.

Chế tạo máy ấp trứng

Máy ấp trứng là một trong những thiết bị cần thiết, nếu bà con chọn giống là trứng chim trĩ thì nên chuẩn bị luôn từ đầu.

Để chế tạo thành công máy ấp trứng bà con cần chuẩn bị:

  • Thiết bị tạo nhiệt (máy ấp trứng)
  • Thùng xốp
  • Ly nước cao cỡ lớn
  • Trấu lót
  • Các bước lắp đặt máy ấp trứng:

Thức ăn cho chim trĩ

Thật sự mà nói thì nuôi chim trĩ rất ít khi sợ lỗ, có thể được xem là giống gia cầm “một vốn bốn lời”. Thức ăn cho chim trĩ rất da dạng nhưng lại dễ tìm.

Tùy theo từng giai đoạn phát triển mà chúng ta chọn thức ăn cho phù hợp:

  • Dưới 10 ngày tuổi: sử dụng cám công nghiệp cho cút, không sử dụng cám gạo.
  • Trên 10 ngày tuổi: có thể trộn cám và tấm theo tỷ lệ 1:1.
  • Trên 20 ngày tuổi: Ngoài tấm và cám, bà con có thể cho ăn bổ sung trùn quế, dế, sâu canxi, các loại rau như chùm ngây, rau lang , thân cây chuối thái nhỏ rau muống,… Và thóc, ngô cho chúng mổ.

Chúng tôi là trang trại côn trùng, sử dụng các sản phẩm từ côn trùng để nuôi chim trĩ giúp giảm 60 – 80% chi phí thức ăn. Như vậy lợi nhuận cũng tăng thêm, không sợ lỗ như cách nuôi công nghiệp thông thường.

Nếu sử dụng 100 % cám tổng hợp làm khẩu phần ăn, chim sẽ rất nhanh lớn và có thể đạt trọng lượng >2kg / con. Tuy nhiên chất lượng thịt thương phẩm sẽ giảm vì mất dần tính hoang dã của chim, đồng thời sức đề kháng của chim cũng kém đi. Với chim mái có thể dẫn đến hiện tượng béo lú mà không sinh sản được.

Lưu ý: Hạn chế cho các loại thức ăn lạ: tôm, cua, cá có thể dẫn đến tình trạng chim bị tiêu chảy.

Chọn giống chim trĩ

Bà con có thể chọn trứng chim trĩ để ấp lấy giống, mua chim non về úm hoặc mua chim bố mẹ giống.

So sánh các loại giống:

  • Trứng chim trĩ: Cần đầu tư máy ấp trứng và lồng úm chim sớm. Chi phí mua giống không quá cao, chim non sẽ thích ứng với môi trường ngay từ đầu, chăm sóc từ nhỏ tốt sẽ cho ra những chim trĩ trưởng thành khỏe mạnh sau này. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công khá thấp do không phải trứng nào cũng nở, và sẽ có hao hụt trong quá trình úm chim trĩ.
  • Chim trĩ con non: Cần đầu tư lồng úm trĩ sớm. Chi phí mua giống ở mức tương đối thấp, con non sẽ được tiếp xúc với môi trường ngay từ đầu. Tỷ lệ thành công cao hơn, thường tỷ lệ hao hụt khoảng 5%.
  • Chim trĩ bố mẹ giống: Giá khá cao, chi phí thức ăn tương đối lớn nếu không có nuôi côn trùng. Nếu nắm kỹ thuật chăn nuôi tốt sẽ khai thác trứng rất hiệu quả. Chọn chim trống có ngoại hình to, cao, đuôi dài, lông mượt, trường chim, dáng khỏe mạnh, lanh lợi. Nếu ở thời kỳ trưởng thành chim trống luôn trong tư thế nghiêng mình sung trận. Chim mái: bầu chim, nở hậu, không dị hình, dị tật.

Kỹ thuật nuôi chim trĩ thả vườn

Ấp trứng chim trĩ tại nhà

Sau khi mua trứng chim trĩ hoặc thu trứng từ chim giống, chúng ta tiến hành ấp như sau:

  • Mỗi 1 thùng xốp ấp được 100 trứng.
  • Lót trấu dưới đáy thùng để giữ nhiệt, không cần để thức ăn.
  • Dùng một ly nước lọc lớn, cao để tạo độ ẩm. (Không dùng dĩa hoặc ly thấp, khi nở chim rớt vào sẽ chết)
  • Nên đảo trứng 1 lần mỗi ngày.

Điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm theo độ tuổi của trứng:

  • Tuần đầu : 37,5oC, độ ẩm 55%
  • Tuần thứ 2 Nhiệt độ 37,3oC, độ ẩm 60%
  • Tuần thứ 3 trở đi nhiệt độ 37oC, độ ẩm 75%

Trứng sẽ không nở 100%, nếu thực hiện tốt tỷ lệ nở có thể lên đến 70%. Thời gian ấp nở khoảng 22 – 23 ngày.

Sau khi chim trĩ nở thì đưa ngay vào lồng úm để làm khô lông cho chúng.

Cách úm chim trĩ con đơn giản

Sau khi chuyển qua lồng úm, bà con cần đảm bảo các yếu tố sau:

  • Treo bòng đèn và đảm bảo nhiệt độ trong lồng úm 25 – 27oC.
  • Để cám gà con vào hộc ăn, trộn super bio để phân chim trĩ không hôi.
  • Nên pha rượu tỏi vào nước uống khoảng 30cc cho bình 2 lít nước.
  • 5 – 10 thay trấu lót chuồng 1 lần.

Chăm sóc chim trĩ và xử lý chuồng trại

Việc chăm sóc chim trĩ cũng giống như nuôi gà, nên cho ăn thức ăn phù hợp, phòng bệnh và che chắn kỹ, không để các loài vật khác tấn công.

Trong quá trình nuôi, chúng ta sẽ gặp tình trạng chúng tự rượt mổ nhau, vị trí mổ thường tập trung vào mắt, đỉnh đầu hoặc lỗ huyệt. Chúng ta có thể xử lý như sau:

  • Tách riêng cá thể chim bị mổ, hoặc chim mổ ra khỏi chuồng nuôi từ 3-5 ngày. Sau đó thả lại bình thường.
  • Trồng thêm các bụi cây, rau để chúng mổ.
  • Cho ăn bổ sung thêm một số khoáng chất: Ca, Zn. Có thể sử dụng loại thuốc chống cắn, mổ bán tại các tiệm thú y để pha vào thức ăn cho chim.
  • Cắt hoặc mài bớt phần mỏ dưới của chim

Do là nuôi thả vườn, bà con cần vệ sinh phân chim thường xuyên. Trộn Men vi sinh Super bio GS vào tấm, cám cho chim trĩ ăn khi ị sẽ không hôi. Ngoài ra, nên rãi bột Emuniv lên mặt chuồng để phân hủy nhanh phân, rác thải (trung bình 3 gói/100 m2).

Che chắn chuồng trại kỹ lưỡng tránh gió, nên có mái che bằng lá và phủ lưới để ổn định nhiệt độ và chim không bay đi.

Phòng bệnh cho chim trĩ

Chim trĩ có sức đề kháng rất tốt vì vẫn còn tính hoang dã, hơn hẳn so với gà. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc phòng bệnh.

Nên vệ sinh môi trường thật tốt khi úm, thả vườn. Không để chúng thải phân vào máng cám, máng nước.

Cho uống nước pha rượu tỏi để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa, hạn chế các bệnh thường gặp như cảm, sổ mũi, tiêu chảy.

Thay rơm, trấu lồng úm thường xuyên vì trong đó có chứa phân chim trĩ non.

Vệ sinh máy ấp trứng, khử trùng sau mỗi đợt trứng nở.

Không nên nuôi mật độ quá dày để tránh bị các bệnh hô hấp lây lan, dẫn đến chết hàng loạt. Tách đàn ngay nếu thấy biểu hiện của bệnh.

Chăm sóc chim trĩ đỏ
Không cho các loài vật khác lại gần chim trĩ

Phân biệt chim trĩ trống và mái để sinh sản

Nếu như bạn chưa có kinh nghiệm lựa chọn giống thì việc phân biệt chim trĩ trống, mái nên thông qua màu lông. Khi chim trĩ vào khoảng 2 – 3 tháng tuổi lông của chúng sẽ có màu nâu nhạt và chuyển dần sang màu đỏ pha. Lúc này trọng lượng cơ thể của chim trĩ trống sẽ khác rõ rệt.

Chim trĩ trống sẽ bắt đầu hình thành các tuyến lông màu đồng và xếp bên dưới là màu xanh lá cây hoặc được chuyển sang màu tím sáng. Ngoài ra, người chọn giống cũng phân biệt thông qua lông ở cổ, đối với những chim trĩ trống lúc này chúng sẽ xuất hiện một vòng lông mang màu trắng, lông đuôi mang màu đỏ hoặc màu hạt dẻ. Những lông màu này sẽ được pha trộn cùng các vệt đen và trắng nhạt.

Chim trĩ mái sẽ có kích thước nhỏ hơn chim trĩ trống. Trĩ mái sẽ bước vào chu kỳ thay lông trong khoảng từ 3-5 tháng tuổi và từ lúc này chúng sẽ có bộ lông ổn định hơn. Bộ lông của chim trĩ mái thông thường sẽ mang màu tối, có thêm những đốm đen và đợc pha lẫn các màu hạt dẻ.

Theo chia sẽ của nhiều người có kinh nghiệm, nên ghép 1 trống 3 mái để tránh trứng bị dập và tập tính ăn trứng của chim trĩ.

Tóm lại

Vậy là trang trại côn trùng đã chia sẽ kỹ thuật nuôi chim trĩ toàn tập cho bà con chăn nuôi. Việc nuôi chim trĩ không quá khó, tuy nhiên cần phải theo dõi thường xuyên và kiên trì. Sau khi đã nắm vững kỹ thuật và tập tính của chim trĩ thì việc chăn nuôi sẽ dễ dàng hơn.

Nếu vẫn còn nhiều thắc mắc bà con có thể liên hệ số điện thoại 09382 09381 gặp anh Thuận để được tư vấn.

Hoặc đến trực tiếp trang trại của chúng tôi để tham quan các mô hình nuôi chim trĩ mà chúng tôi đang thực hiện. Địa chỉ trang trại tại số 39 Đường 30 KDC Hưng Phú Công Ty 8, Cái Răng, Tp.Cần Thơ. Chúng tôi sẵn sàng chia sẽ kỹ thuật miễn phí.

Chúc bà con thành công.

Rate this post
Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 094 179 2255