Để làm chuồng nuôi tắc kè hiệu quả, bà con cần đặt ra những yếu tố để tạo ra môi trường sống tốt nhất cho tắc kè.
Xem thêm: Tắc kè, những đặc điểm sinh học và giá trị kinh tế
TÓM TẮT
Cách làm chuồng nuôi tắc kè
Tắc kè rất thích sống trong hang, ưa bóng tối và không di chuyển tổ, đó là những tập tính quan trọng mà bà con cần lưu ý khi làm lồng nuôi tắc kè.
Chuẩn bị vật liệu xây chuồng
- Gạch
- Xi măng
- Cát
- Gỗ
- Lưới sắt
- Ống tre nứa
- Ke sắt
- Đinh
- Thân cây gỗ
- Vải màu tối
Kích thước chuồng
- Chiều cao: 2m – 2,5m
- Chiều rộng: 1,2m – 1,5m.
- Chiều dài: 3-10m (Tùy vào số lượng con giống và đất nuôi mà bạn tự cân đối chiều dài chuồng cho phù hợp. Trung bình khoảng 1m2 nền nuôi 30 con tắc kè con và 20 con tắc kè thịt hoặc tắc kè bố mẹ)
Đặc điểm kỹ thuật
Chuồng nuôi
Kết hợp cả tường gạch và lưới. Với 4 mặt chuồng bạn nên chia diện tích tường gạch và tường lưới theo tỷ lệ 1:3 hoặc 2:2 để vừa giữ ấm vào mùa đông vừa làm mát vào mùa hè. Tạo điều kiện tốt nhất để tắc kè phát triển.
Khi xây tường bạn cần chú ý không xây kín toàn bộ mà xây các khe hở cách nền khoảng 2cm rộng 20-30m để tiện cho việc dọn rửa. Khi làm vệ sinh chuồng xong bạn dùng thân cây, ván gỗ hoặc gạch để bịt kín các khe hở lại tránh tác động từ bên ngoài gây hại cho tắc kè.
Nền chuồng bạn xây nền gạch hoặc nền xi măng đều được. Làm cửa ra vào cao trên đầu người để người nuôi tiện ra vào.
Nên cho thêm các cây gỗ rỗng loại to, cây xanh nhiều lá vào chuồng cho chúng trèo leo bắt mồi tạo cho chúng môi trường giống như ngoài thiên nhiên. Việc này cũng giúp cho tắc kè có nơi trú ẩn, đẻ trứng.
Mặt lưới
Xây tường gạch cao khoảng 50cm tính từ phần đất nền rồi mới xây lưới lên trên để tránh việc dọn rửa chuồng sẽ khiến lưới kim loại han gỉ.
Lưới bạn có thể dùng lưới sắt hoặc lưới inox, độ rộng mắt lưới nhỏ khoảng 3mm. Mắt lưới nhỏ để khi thả dế vào cho tắc kè ăn sẽ không chui ra ngoài.
Xử lý chuồng nuôi theo thời tiết
Luôn đặt chuồng ở bóng tối để tránh làm nổ mắt tắc kè.
Trời nóng
Tắc kè ưa bóng tối nên vào mùa hè bạn phải căng bạt vải quây xung quanh chuồng của chúng. Nên dùng vải màu xanh lá cây, rộng 50 đến 60cm, cách tường 2-3 cm. Không chỉ tạo không gian tối, việc quây bạt vải còn giúp giảm sự chiếu sáng của mặt trời. Giúp cho chuồng nuôi mát mẻ trong mùa hè.
Trời lạnh
Bên cạnh đó, tắc kè cũng là loài vật không chịu được rét. Chính vì vậy, vào mùa đông bạn phải lót ổ cho chúng bằng cách đặt các tấm bìa cát tông có chăn hoặc vải ấm, khoét lỗ và đặt trong chuồng nuôi.
Tạo chỗ trú ẩn cho tắc kè
Không phải lúc nào tắc kè cũng bám trên lưới, trên tường. Chúng cũng cần có chỗ nghỉ ngời và đẻ trứng. Do đó, việc ta ra các hộc gỗ, kệ gỗ sẽ giúp việc nuôi tắc kè hiệu quả hơn.
Làm hộc gỗ
Bạn chuẩn bị 3 miếng gỗ hình chữ nhật với kích thước chiều dài và chiều rộng lần lượt là 25cm và 7cm. Bạn dùng búa và đinh đóng 3 miếng gỗ thành các hộc gỗ. Hộc này sẽ giúp giữ trứng tắc kè được an toàn hơn và đồng thời cũng là chỗ nghỉ ngơi cho tắc kè.
Làm kệ gỗ
Để làm kệ gỗ, bạn sử dụng 2 miếng ke sắt hình tam giác vuông bắt vít cố định vào các khung gỗ tại mặt bên trong của chuồng nuôi rồi đặt 2 thanh gỗ dài gác lên 2 cái ke sắt, cố định bằng đinh vít. Tiếp đó bạn đặt lần lượt các hộc gỗ lên thành nhiều tầng. Lưu ý là kệ gỗ phải cách mặt đất ít nhất là 1m để tránh nền đất ẩm.
Treo bao bố
Treo bao bố để giúp giữ nhiệt vào mùa lạnh và tránh ánh sáng mạnh vào mùa nóng.
Có thể treo lên nóc chuồng nhiều tấm bao bố để tạo chỗ leo cho tắc kè.
Tóm lại
Trên đây là các kỹ thuật làm chuồng nuôi tắc kè hiệu quả đã được áp dụng rất nhiều tại các trại tắc kè ở Việt Nam. Sau khi làm chuồng xong thì bà con có thể tiến hành thả giống. Chúc bà con thành công.