Chuẩn bị dụng cụ và đất nền nuôi trùn quế

Đây là bài 3 trong mục hướng dẫn kỹ thuật nuôi trùn quế hiệu quả.

Sau khi làm chuồng trùn quế xong chúng ta tiến hành chuẩn bị dụng cụ và đất nền nuôi trùn quế. Vậy chúng ta cần dụng cụ gì và chuẩn bị đất nền như thế nào cho hiệu quả?

Chuẩn bị dụng cụ

Chuẩn bị dụng cụ nuôi trùn quế
Dụng cụ nuôi trùn quế
  1. Dụng cụ để xới, thu hoạch: có thể dùng xẻng hoặc chĩa 6 mũi. Chọn dụng cụ tránh làm trùn quế bị tổn thương.
  2. Dụng cụ che phủ: Thường làm bằng đay, lưới đen hoặc chiếu cói là tốt nhất. Trùn quế rất ưa tối, nhưng vẫn giữ độ thông thoáng và có ánh sáng lọt vào.
  3. Thùng tưới nước: Sử dụng các loại thùng có vòi sen, không có vòi sen ta có thể dùng rổ, rá.
  4. Gáo múc nước: Ta có thể sử dụng ca nhựa có cán (loại 1 – 2 lít) hoặc gáo dừa, có buộc thêm cán tre dài khoảng 1 – 1,5m.
  5. Dụng cụ múc phân: có thể dùng nón bảo hiểm cũ và móc vào cây sào dài.
  6. Xe kéo phân để cho ăn: có thể dùng xe rùa (xe cút kít), nên chọn loại thùng nhựa.

Chuẩn bị đất nền cho hộc trùn

Đất nền là môi trường sống đầu tiên của trùng quế. Khi bắt đầu nuôi hoặc sau mỗi lần thu hoạch giun và phân giun, chuẩn bị cho đợt nuôi tiếp phải rải chất nền vào luống nuôi. Vì vậy thao tác đầu tiên là phải chuẩn bị chất nền. Chất nền tốt nhất là phân bò cũ đã ủ hoai mục.

Chuẩn bị dụng cụ và đất nền nuôi trùn quế
Chuẩn bị dụng cụ và đất nền nuôi trùn quế

Lưu ý: Nếu bạn sử dụng sinh khối trùn quế thì không cần làm đất nền, vì sinh khối đã là môi trường sống lý tưởng rồi.

Đất nền sẽ cần thiết nếu bạn đổ trùn bố mẹ vào mà không có sinh khối, có thể làm chất nền theo cách sau:

Cách ủ đất nền cho trùn quế

Có 3 cách ủ hoai: ủ nóng, ủ nguội và ủ hỗn hợp.

Phương pháp ủ nóng:

Để chế biến chất nền cần có phân trâu, bò, lợn và chất độn chuồng như cỏ, rơm rạ, bèo, dây khoai lang…hoặc lá cây khô (trừ lá xoan, lá lim, lá sắn có độc tố cao). Giun quế rất sợ nước tiểu gia súc vì vậy nếu phân có lẫn nước tiểu của gia súc thì phải phun rửa để loại bỏ nước tiểu.

Tưới nước phân bò để ủ
Tưới nước phân bò để ủ

Chọn mặt nền cứng rải 1 lớp phân dày 10 – 15cm, tiếp theo rải 1 lớp chất độn dày 10cm có trộn vôi bột. Tiếp tục dải phân và chất độn theo thứ tự trên cho đến khi đống chất độn cao 1 – 1,5m. Ở giữa đống ủ cắm 1 đoạn tre để thông khí.

Khi đánh đống xong (tỷ lệ 7 phần phân trâu bò ủ với 3 phần chất độn chặt ngắn), phủ lên đống phân 1 lớp che mưa che nắng bằng vật liệu sẵn có như lá chuối, tấm tranh lợp, ni lông.

Cứ 5 đến 7 ngày tưới nước và đảo đống chất nền 1 lần để đảm bảo chất nền luôn ẩm và có đủ không khí. Sau 3 – 4 tuần ủ chất nền có thể sử dụng

Phương pháp ủ nguội:

Phân gia súc và chất độn xếp lớp và đánh đống như phương pháp ủ nóng nhưng không dùng vôi bột. Sau khi đánh đống xong phủ 1 lớp rơm rạ mỏng và tưới nước cho ẩm. Lấy bùn chát kín đống ủ. Sau 3 tháng có thể đem sử dụng.

Chuẩn bị dụng cụ và đất nền nuôi trùn quế
Ủ hoai phân chuồng

Phương pháp ủ hỗn hợp:

Phân chất độn xếp lớp và đánh đống như phương pháp ủ nóng. Sau 4 – 6 ngày nhiệt độ đống ủ phân lên cao 70 độ C. Tưới nước cho ẩm rồi lấy bùn chát kín. Sau 2 tháng có thể đem sử dụng.

Cách rãi đất nền

Sau khi đã chuẩn bị xong đất nền, tiến hành rãi vào chuồng, luống, hố nuôi giun một lớp dày từ 10 – 20cm, tưới ẩm, xới đều rồi san bằng. Chất nền rải trước lúc thả giun quế 2 – 3 ngày. Nếu thả giống bằng giun sinh khối thì có thể không cần rải chất nền.

Tóm lại

Như vậy là xong bước chuẩn bị dụng cụ và đất nền nuôi trùn quế, bước tiếp theo chúng ta sẽ chọn giống và thả giống vào hộc nuôi.

>> Xem bài 4: Cách chọn giun quế giống sinh khối và thả giống

Rate this post
Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 094 179 2255