Vòng đời của ruồi lính đen (BSF life cycle) là một trong những yếu tố chứng minh loại côn trùng này phù hợp với quá trình xử lý chất thải hữu cơ, biến rác hữu cơ thành những sản phẩm tái sử dụng hiệu quả trong nông nghiệp.
TÓM TẮT
Ruồi lính đen xuất hiện ở đâu?
Ruồi lính đen (hay Ruồi đen. Tiếng Anh: Black Soldier Fly) là loại côn trùng thuộc họ Stratiomyidae, tộc Hermetia, loài H. illucens. Có thể bắt gặp chúng ở khắp nơi trên thế giới, nhiều nhất ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới từ vĩ độ 40o Nam đến 45o Bắc.
Vòng đời của ruồi lính đen
Vòng đời của ruồi lính đen (BSF life Cycle) bắt đầu từ trứng ruồi và kết thúc cũng từ trứng ruồi để tạo ra một thế hệ mới: ruồi đẻ trứng thành từng ổ.
Một con ruồi cái trưởng thành có thể đẻ 400 – 800 trứng/ổ. Vị trí để đẻ thường là những nơi có khoang nhỏ (như hốc vách), khô ráo, có mái che, và đặc biệt là những nơi có nguồn thức ăn hữu cơ đang phân hủy, để khi trứng nở thì ấu trùng con sẽ có thức ăn ngay gần đó. Ngay sau khi đẻ trứng thì con cái chết.
Chúng chọn những nơi có khoang nhỏ để hạn chế mất nước từ ánh sáng mặt trời, hạn chế kẻ thù,…
Khoảng 4 ngày thì trứng ấu trùng nở, kích thước của ấu trùng khi đó rất nhỏ chỉ vài milimet. Chúng sẽ nhanh chóng tìm thức ăn đang phân hủy gần đó. Chúng rất phàm ăn, ăn cả ngày lẫn đêm cho đến khi đạt kích thước dài khoảng 2,5 cm, rộng khoảng 0,5 cm và có màu kem.
Tùy thuộc vào số lượng và mức độ dinh dưỡng trong thức ăn hữu cơ mà ấu trùng sẽ cần từ 14 – 16 ngày để phát triển. Tuy nhiên, sức sống của ruồi lính đen rất mạnh, chúng có thể kéo dài vòng đời nếu như điều kiện sống không thuận lợi. Bởi giai đoạn ấu trùng là giai đoạn duy nhất chúng ăn và tích trữ dinh dưỡng, dự trữ tối đa mỡ và protein, giúp chúng đủ năng lượng trãi qua quá trình nhộng đen, tìm bạn tình, giao phối và (con cái) đẻ trứng trước khi chết.
Có đến 5 giai đoạn ấu trùng và đến giai đoạn cuối cùng thì chúng có màu xám than. Lúc này, miệng của chúng sẽ tự thay thế thành móc câu giúp chúng di chuyển ra khỏi đống thức ăn hữu cơ, mùn hữu cơ dễ dàng. Chúng sẽ di chuyển đến nơi khô ráo để chuẩn bị hóa nhộng. Đây là thời điểm chính thức chúng “tuyệt thực” – không ăn gì nữa.
Quá trình hóa nhộng là sự chuyển đổi từ một con nhộng thành một con ruồi. Giai đoạn nhộng được bắt đầu khi chúng tìm thấy một vị trí phù hợp, chúng sẽ bất động và vỏ trở nên cứng cáp hơn.
Để lột xác thành công, chúng cần điều kiện môi trường không thay đổi quá nhiều, cụ thể là ấm, khô và trong bóng mát. Chúng sẽ thành ruồi sau khoảng một tuần. Chỉ mất chưa đầy năm phút để con ruồi có thể phá vỡ phần nhộng bò ra, phơi khô rồi xòe cánh và bay đi.
Từ lúc lột xác, ruồi đen có thể sống khoảng 1 tuần. Trong thời gian ngắn ngủi đó, chúng sẽ tìm bạn tình, giao phối và đẻ trứng. Giai đoạn này chúng không ăn mà chỉ uống nước. Điều kiện sống thuận lợi nhất lúc này là nhiệt độ từ 24 – 32oC, đầy đủ ánh sáng mặt trời. Môi trường ẩm ướt sẽ giúp ruồi lính đen sống lâu hơn, từ đó tăng tỷ lệ ruồi giao phối và đẻ trứng.
Tóm tắt vòng đời của ruồi lính đen
Như vậy, vòng đời của ruồi đen có khoảng 45 ngày:
- Giai đoạn trứng: 4 ngày nở thành ấu trùng.
- Giai đoạn ấu trùng: Ăn liên tục trong 14 – 16 ngày lớn thành sâu canxi và có thể làm thức ăn cho gà, cho chim, cho cá, ….
- Giai đoạn phát triển thành nhộng đen (giai đoạn ấu trùng cuối): nuôi tiếp 14 ngày nó sẽ từ màu trắng chuyển thành màu đen, ngừng ăn và bò ra ngoài.
- Giai đoạn phát triển thành kén: khoảng 7 ngày sẽ phát triển thành Kén, nằm bất động cho đến khi rời kén thành ruồi.
- Giai đoạn ruồi lính đen sinh sản: sống khoảng 7 ngày để sinh sản.
Điều kiện tốt nhất để nuôi ruồi lính đen
Khí hậu ấm áp: Một yếu tố cực kỳ quan trọng để nuôi ruồi đen là nhiệt độ và độ ẩm. Nhiệt độ lý tưởng nhất là từ 24 – 30oC, nếu quá nóng ấu trùng sẽ bò đi để tìm vị trí khác mát hơn. Điều này cũng cần lưu ý khi cho ăn, phân ruồi đen rất nóng, nếu cho ăn nhiều ngày mà không dọn phân chúng cũng sẽ bò đi. Nhưng nếu quá lạnh, chúng sẽ ăn ít đi, bò chậm hơn và lớn chậm hơn.
Hộc nuôi dưới bóng mát: Ấu trùng ruồi lính đen không thích ánh sáng trực tiếp của mặt trời, nếu cho ăn dưới ánh sáng, chúng sẽ bò sâu vào thức ăn để tránh sáng. Nhưng khi trưởng thành, chúng ta nên cho ánh sáng lọt qua một vài vị trí, chúng rất thích giao phối khi có nắng vào buổi sáng.
Độ ẩm của thức ăn: Ấu trùng ruồi lính đen không có răng, chúng chỉ nút thức ăn là chủ yếu. Do đó, để hiệu quả thì thức ăn của chúng cần độ ẩm. Vd: nếu cho ăn cám thì cần pha nước.
Dinh dưỡng của thức ăn: phế phẩm hữu cơ vẫn có thành phần dinh dưỡng nhất định, thức ăn giàu protein và cacbonhydrat sẽ giúp ấu trùng cực kỳ béo ngậy. VD: ruột cá, gà vịt chết, cá chết, chuột chết,… Ngoài ra, chúng dễ hấp thụ hơn với các phế phẩm đã xử lý bằng vi sinh vật. Vd: phân bò xử lý bằng nấm trichoderma,…
Kích thước của thức ăn: vì ấu trùng không có miệng nhai, thức ăn có dạng mảnh nhỏ, hoặc dạng lỏng, nhão sẽ giúp ấu trùng ăn dễ hơn.
Mẹo cho ruồi sinh sản tốt: nên treo các cây leo để giữ nước, tưới nước đường sẽ giúp chúng đẻ nhiều hơn.